Theo dõi các đề thi Ngữ văn vào lớp 10 năm học 2015-2016 của nhiều tỉnh thành, thạc sĩ văn học Hồ Tấn Nguyên Minh (THPT chuyên Lương Văn Chánh tỉnh Phú Yên) cho biết rất vui và nhận thấy những tín hiệu khả quan trong sự tích cực trong tìm tòi, sáng tạo, đổi mới cách ra đề văn theo hướng phát triển năng lực sáng tạo của học sinh.
"Câu nghị luận xã hội trong nhiều đề đặt ra những vấn đề mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, nhưng lại rất gần gũi với thực tế đời sống như đề của TP HCM đặt ra vấn đề vô cảm ngay trong chính gia đình mình, đề của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bàn về tính cộng đồng trong thế giới mạng…", thầy Minh nói.
Theo thạc sĩ Minh, từ những tác phẩm trong sách giáo khoa, câu nghị luận văn học ở nhiều đề văn cũng khá hay, như đề thi của trường chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội yêu cầu học sinh suy nghĩ về lẽ sống từ những câu thơ trong "Nói với con" của Y Phương và "Mùa xuân nho nhỏ" của Thanh Hải…
Đề thi Ngữ văn vào lớp 10 năm học 2015-2016 ở nhiều tỉnh thành tạo được sự hứng thú cho học sinh.
"Các đề văn mở sẽ giúp học sinh phát huy cá tính sáng tạo, tránh một sự "đồng phục" từ kiến thức đến tư duy. Với những đề văn như thế, tình trạng học vẹt, học tủ, học văn mẫu hay ghi nhớ máy móc bài giảng của thầy cô cũng sẽ giảm đi đáng kể", thạc sĩ Minh vui vẻ cho biết. Cách hỏi trong các đề thi năm nay, theo thầy Minh, không gò ép học sinh vào những khuôn mẫu, lối mòn định sẵn mà mở ra cho các em nhiều hướng suy nghĩ, khả năng sáng tạo; tạo điều kiện cho học sinh phát huy sức nghĩ, sức viết và thể hiện dấu ấn cá tính của mình. Nó tạo ra một môi trường tự do, cởi mở giúp học sinh nâng cao năng lực viết, giúp mỗi bài văn các em viết ra từ chỗ là sự trình bày lại gần như nguyên vẹn bài giảng của thầy cô hay những điều được chép sách mẫu, trở thành sản phẩm của chính các em trong quá trình tư duy tích cực.
Trong quá trình giảng dạy ở trường trung học phổ thông, người giáo viên này luôn trăn trở, suy nghĩ làm sao ra được những đề văn hay, phát huy được năng lực sáng tạo và khả năng tư duy của học trò. Kỷ niệm mà thạc sĩ Minh nhớ nhất trong một lần ra đề văn mở về đề tài "nếu còn một ngày để sống", một học sinh đã email tâm sự với thầy: "Em cảm thấy rất hào hứng vì với đề văn này em được viết theo ý mình chứ không phải ý của thầy cô".
Cô Nguyễn Thị Lĩnh, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Thái Bình cũng cho rằng, đề thi Ngữ văn những năm gần đây được ra theo xu hướng tích cực hơn. Ngoài phần nghị luận văn học (truyền thống), đề được bổ sung phần đọc hiểu và nghị luận xã hội. "Đề thi mở giúp văn học gần gũi với đời sống xã hội. Có những vấn đề nóng hổi, thời sự cũng được đưa vào hỏi học sinh. Qua đó, giúp học sinh có kiến thức toàn diện, phát triển tư duy văn học, năng lực hiểu biết xã hội, không học chay, học tủ", cô Lĩnh nói.
Tuy nhiên, theo giáo viên này, để gây được hứng thú trong tranh luận và làm bài, đề thi phải lựa chọn được các vấn đề hấp dẫn, phù hợp với trình độ và sở thích của học sinh. Điều này đòi hỏi giáo viên phải có kinh nghiệm. Mặt khác, đề mở, đáp án và người chấm cũng cần hết sức linh hoạt để học sinh có cơ hội bày tỏ quan điểm của mình. Ngược lại, học sinh có thể có quan điểm khác với thầy cô, người ra đề nhưng phải thuyết phục được họ bằng lý lẽ, dẫn chứng xác đáng. Để làm được điều đó, học trò phải có tư duy logic, kiến thức văn học, xã hội rộng.